Trang chủ

Tổng cục thống kê

Sơn La: Nguồn thông tin quan trọng làm cơ sở xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển KT-XH

6/12/2022 12:00:00 AM | 0

Sau hơn 1 năm thực hiện, cuộc Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thành công; kết quả nghiệm thu được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá đạt loại giỏi; xếp thứ 41/63 tỉnh, thành và thứ 2/8 tỉnh vùng núi có biên giới phía Bắc. Những kết quả thống kê này có tính chất rất quan trọng trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Sau hơn 1 năm thực hiện, cuộc tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thành công; kết quả nghiệm thu được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá đạt loại giỏi; xếp thứ 41/63 tỉnh, thành và thứ 2/8 tỉnh vùng núi có biên giới phía Bắc. Những kết quả thống kê này có tính chất rất quan trọng trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Cuộc Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính (gọi tắt là tổng điều tra) được tổ chức thực hiện với chu kỳ 5 năm/lần. Cuộc tổng điều tra lần này có quy mô rộng, nội dung phức tạp, được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động; dịch Covid-19 diễn biến khó lường; công tác quản lý Nhà nước có nhiều thay đổi, yêu cầu về chất lượng số liệu thống kê của toàn quốc và từng địa phương ngày càng cao... đòi hỏi công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện tổng điều tra phải hết sức khẩn trương, nghiêm túc.

Sơn La tổng kết TĐT kinh tế 2021

Điều tra viên thành phố Sơn La điều tra hộ kinh doanh cá thể tại phường Quyết Thắng

Bà Ngô Thị Thu, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng điều tra tỉnh, cho biết: Xác định vai trò quan trọng của đợt tổng điều tra, Cục Thống kê tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh lãnh, chỉ đạo cuộc tổng điều tra theo phương án thống nhất, phù hợp với đặc thù của tỉnh. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ thường trực các cấp; tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên các cấp; hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cho điều tra viên, giám sát viên nắm vững quy trình trong việc lập bảng kê, ghi phiếu, thu thập thông tin điều tra đảm bảo chất lượng, chính xác.

Cuộc Tổng điều tra năm 2021 liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, gồm: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, hiệp hội. So với các lần tổng điều tra trước, cuộc tổng điều tra lần này đã sử dụng dữ liệu hành chính từ các cơ quan quản lý liên quan như thuế, đăng ký kinh doanh, nội vụ… phục vụ cho khâu cập nhật, rà soát các đơn vị điều tra doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội và giảm các chỉ tiêu cần thu thập đã sẵn có từ dữ liệu hành chính. Đặc biệt, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu của tổng điều tra, từ khâu lập danh sách đơn vị điều tra, đến thu thập thông tin, quản lý, giám sát, nghiệm thu, xử lý tổng hợp... Qua đó, giúp hạn chế được sai sót, tiết kiệm lớn nguồn lực và rút ngắn thời gian thu thập, xử lý thông tin.

Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tổng hợp số lượng của 4 loại đơn vị điều tra là 35.132 đơn vị, trong đó cơ sở SXKD cá thể và doanh nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu, lần lượt là 92,27% và 4,65% (cơ cấu chung cả nước là 86,58% và 11,4%). Cùng với số cơ sở, lao động do cơ sở SXKD cá thể và doanh nghiệp thu hút cũng chiếm tỷ trọng chủ yếu, với 47,15% và 19,32% trong tổng số lao động.

Trong khu vực kinh tế, số cơ sở và lao động thu hút tập trung vào khu vực dịch vụ. Số cơ sở khu vực dịch vụ là 30.773 cơ sở, chiếm 87,59%; khu vực công nghiệp - xây dựng 4.209 cơ sở, chiếm 11,98%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 150 cơ sở, chiếm 0,43%. Về lao động, khu vực dịch vụ 81.812 người, chiếm 79,87%; khu vực công nghiệp – xây dựng 18.694 người, chiếm 18,25%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 1.921 người, chiếm 1,88%.

Theo địa giới hành chính, số lượng đơn vị điều tra tập trung cao ở Thành phố Sơn La, huyện Mộc Châu, Mai Sơn và Sông Mã với tỷ trọng lần lượt là 19,92%; 13,27%; 11,9% và 10,62%. Số lượng lao động trong các đơn vị thu hút tập trung ở 3 địa phương có mạng lưới doanh nghiệp phát triển là Thành phố Sơn La với 24,67%, huyện Mộc Châu 13,4% và Mai Sơn 11,23%. Thành phố Sơn La là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh, vì vậy số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đang chiếm chủ yếu với 803 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 49,17% tổng số doanh nghiệp của tỉnh; huyện Mộc Châu với địa giới hành chính rộng, là hạt nhân vùng động lực kinh tế có 210 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 12,86% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh.

Sơn La tổng kết TĐT kinh tế 2

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn rà soát tiến độ điều tra. 

Riêng đơn vị sự nghiệp, trong cuộc tổng điều tra lần này có sự sụt giảm cả về số lượng và lao động, do thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước trong sáp nhập và tinh giản biên chế (các trạm y tế xã, phường hoạch toán chung vào trung tâm y tế của các huyện, thành phố; sáp nhập các cấp học từ mầm non đến THPT; các đơn vị phòng văn hóa sáp nhập với trung tâm thể thao thành trung tâm truyền thông văn hóa). Đến thời điểm 1/1/2021, toàn tỉnh có 754 đơn vị sự nghiệp, giảm 42,09% so với năm 2017. Tổng số lao động đơn vị sự nghiệp là 32.317 người, giảm 3,81% so với năm 2017. Đối với đơn vị hiệp hội có 104 đơn vị, tăng 19,54% so với năm 2017. Tổng số lao động đơn vị hiệp hội là 343 người, tăng 6,19% so với năm 2017.

Đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, toàn tỉnh có 35 cơ sở, tăng 118,75% so với 5 năm trước (năm 2017 có 16 cơ sở). Trong tổng số, có 31 cơ sở tôn giáo, chủ yếu trên địa bàn 7 huyện: Huyện Thuận Châu, Mường La, Phù Yên, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp và Thành phố Sơn La.

Mộc Châu là địa phương có số lượng đơn vị điều tra lớn thứ 2 toàn tỉnh. Đồng chí Phùng Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính huyện Mộc Châu, cho biết: Để thực hiện khối công việc này, Ban Chỉ đạo tổng điều tra huyện đã huy động 37 điều tra viên, 9 thành viên tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo, tổ chức 3 lớp tập huấn nghiệp vụ ghi phiếu và công nghệ thông tin. Ban Chỉ đạo huyện, xã, thị trấn sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền để triển khai cuộc tổng điều tra; tuyển chọn những điều tra viên có trách nhiệm, am hiểu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và sử dụng thành thạo các thiết bị di động để thực hiện nhiệm vụ. Kết thúc 2 giai đoạn, huyện đã hoàn thành điều tra 343 doanh nghiệp, HTX; 66 cơ sở sự nghiệp, hiệp hội; 39 cơ sở hành chính, tổ chức chính trị xã hội; 4.318 cá thể. Tiến độ điều tra đạt 100% khối lượng công việc, chất lượng số liệu điều tra đảm bảo yêu cầu; 100% xếp loại giỏi.

Sơn La tổng kết TĐT kinh tế 3

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong cuộc tổng điều tra. 

Có thể nhận định, kết quả Tổng điều tra kinh tế và cơ sở hành chính năm 2021 đã phản ánh khá toàn diện tình hình KT-XH và sự phân bố các cơ sở kinh tế, sự nghiệp, hiệp hội, tôn giáo, tín ngưỡng trên phạm vi toàn tỉnh. Số lượng và lao động của các đơn vị điều tra trên mọi mặt, mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề có sự thay đổi rõ rệt. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đã có sự chuyển biến đáng kể, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Kết quả tổng điều tra sẽ là nguồn thông tin quan trọng để tỉnh và các cấp, các ngành tiếp tục xây dựng các chính sách, giải pháp phát triển KT-XH trong giai đoạn 2021-2025.

Nguồn: baosonla.org.vn


Bài viết cùng chuyên mục